Kinh tế Việt Nam chững lại vì Mỹ – Trung

Trái ngược với những dự đoán “hưởng lợi”, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với không ít “vạ lây” từ mối căng thẳng thương mại Mỹ – Trung.

Ông Vũ Tiến Lộc – chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN cho biết, trong 6 tháng đầu năm có đến 70% nền kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng từ cuộc thương chiến, trong đó, Việt Nam cũng đã ghi nhận tình trạng vốn FDI chững lại và sự giảm tốc về xuất khẩu.

Theo ông Lộc, trong nửa đầu năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 122,72 tỉ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018. Như vậy, tốc độ tăng chỉ còn bằng chưa đầy một nửa so với 6 tháng đầu năm 2018. Về đầu tư FDI, tính đến 20-6-2019, vốn đầu tư tăng thêm và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 18,47 tỉ USD, giảm 9,2% so với cùng kỳ 2018.

Việt Nam "vạ lây" từ thương chiến Mỹ - Trung

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu số 1 của Việt Nam khiến cho tình trạng cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt khi lượng lớn hàng Trung Quốc giá rẻ ồ ạt tiến vào. Nhiều hàng hóa Trung Quốc giả mạo xuất xứ để “thâm nhập” cũng như hưởng lợi về thuế khi xuất khẩu. Điều này gây ra diễn biến không mấy thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam. Ngược lại, cánh cửa hàng hóa của Việt Nam vào Trung Quốc cũng thu hẹp khi quốc gia này đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nội địa. Trong 6 tháng qua, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường đều giảm, chỉ tăng ở thị trường Mỹ.

Thực tế đã chỉ ra những dự đoán ban đầu đã hoàn toàn đi ngược lại, Việt Nam hầu như không hưởng lợi gì cuộc thương chiến. “Các tác động tiêu cực rõ nhất của thương chiến đến nền kinh tế Việt Nam là sự giảm tốc của GDP, kết quả thu hút FDI chững lại và xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng qua giảm” – ông Lộc nói.

Trước diễn biến này, ông Lộc cảnh báo các doanh nghiệp khi sản xuất, kinh doanh cần phải tính đến sự bất lợi, tiêu cực của cuộc thương chiến, không nên chủ quan cho rằng chúng ta được hưởng lợi từ cuộc thương chiến này.

Xem thêm:

Hàng Trung Quốc giả mạo xuất xứ tràn vào Việt Nam

Trước những biến căng thẳng của cuộc chiến Thương mại Mỹ – Trung, Đồng nhân dân tệ đang có dấu hiệu giảm giá, tăng nguy cơ hàng hóa Trung Quốc giả mạo xuất xứ tràn vào Việt Nam.

Nguyên nhân trực tiếp khiến Đồng NDT liên tiếp giảm giá là do Mỹ tố cáo Trung Quốc chủ động thao túng tiền tệ, tức là làm mất giá NDT tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu. Nhưng thực tế cho thấy, đồng NDT cũng mất giá thực sự chứ không chỉ do họ chủ động.Với tình trạng này, Trung Quốc chiếm ưu thế cạnh tranh khi xuất khẩu hàng ra nhiều nước nhưng cũng là nguy cơ rút lui của làn sóng FDI tại quốc gia này.

Hiện tại, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba và là thị trường nhập khẩu số 1 của Việt Nam. Do đó, Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ nhập siêu và sự cạnh tranh khốc liệt khi hàng Trung Quốc giá rẻ liên tiếp tràn vào thị trường. Đáng lo lắng hơn là hiện tượng hàng Trung Quốc giả mạo hàng hóa có xuất xứ “Made in Vietnam” để hưởng ưu đãi thuế khi xuất ra nước ngoài.

hàng Trung Quốc gian lận xuất xứ

Thậm chí hàng nhập về đã kèm cả phiếu bảo hành bằng tiếng Việt với đủ thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ doanh nghiệp, trung tâm bảo hành tại Việt Nam… để tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu. Ngoài ra, cũng có trường hợp doanh nghiệp nhập hàng từ nước ngoài, dán nhãn hàng hóa hoặc ghi xuất xứ hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài… nhưng sau đó thay nhãn mác mới ghi “made in Vietnam” hoặc “sản xuất tại Việt Nam” khi bán tại thị trường nội địa.

Vì vậy, trước thực trạng này, các doanh nghiệp phải tự mình nâng cao chất lượng, uy tín thương hiệu của hàng hóa Việt Nam để cạnh tranh một cách lành mạnh với các sản phẩm đến từ Trung Quốc. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng sẽ phải tăng cường hơn nữa các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là gian lận xuất xứ hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam để tránh những tổn thất đến người tiêu dùng.

Xem thêm:

Bàn về các quy định “Made in Vietnam”

Theo Dự thảo Thông tư của Bộ Công Thương về hàng hóa “Made in Vietnam”, nhiều quan điểm cho rằng con số 30% VAC có quá thấp để công nhận sản phẩm có xuất xứ Việt Nam.

Như thông tin đã đưa, vào chiều 14/8 vừa qua, Bộ Công Thương đã có buổi trao đổi với báo chí về dự thảo Thông tư quy định hàng “Made in Vietnam”, cụ thể là các quy định xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam.

Trả lời về thời gian đưa ra dự thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương – ông Trần Quốc Khánh cho biết, trong việc quy định thế nào là hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam, Bộ trước đó đã đưa ra nhiều văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, các văn bản này chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu để hưởng ưu đãi thuế. Với hàng hóa sản xuất và sau đó lưu thông trong nước, việc ghi nước xuất xứ được thực hiện theo Nghị định số 43/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa, là lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ, không phải của Bộ Công Thương. Trên thực tế, việc thực hiện nguyên tắc tự xác định và chịu trách nhiệm về nước xuất xứ hàng hóa phát sinh khá nhiều bất cập, do đó, Bộ Công Thương đã chủ động đề xuất nghiên cứu, dự thảo Thông tư lần này.

hàng hóa có xuất xứ Việt Nam

Về quy định chỉ cần hàm lượng 30% đã được coi là hàng hóa Việt Nam, Thứ trưởng cho biết dự thảo Thông tư này được xây dựng chủ yếu dựa trên các bộ quy tắc xuất xứ hiện đang áp dụng cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam, trong đó có Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ. Nhiều sản phẩm xuất khẩu của ta chỉ cần đáp ứng VAC 30% là được các nước bạn hàng công nhận là xuất xứ Việt Nam. Đặt ra mức cao hơn không phải điều khó khăn, muốn cao hơn vẫn có thể điều chỉnh được. Tuy nhiên, nếu quy định ở mức cao hơn, sẽ xuất hiện tình huống cả thế giới công nhận nhưng riêng Việt Nam lại không công nhận một sản phẩm nào đó là sản phẩm của mình.

Thực tế cả Mỹ lẫn Thụy Sĩ, trong đàm phán với Việt Nam, đều tha thiết đề nghị ta áp dụng quy tắc VAC 30% hay chuyển đổi mã số hàng hóa cho tuyệt đại đa số sản phẩm công nghiệp của họ, không ai đề nghị 50% hay 60% cả, trừ đối với một vài mặt hàng cực kỳ nhạy cảm như may mặc, ô tô.

Về ý kiến lo ngại, việc tự xác định và ghi nhãn “Sản xuất tại Việt Nam” không biết có đảm bảo chính xác không và khả năng Nhà nước có cơ quan đứng ra đánh giá và cấp giấy công nhận, Thứ trưởng Khánh cho biết, ban soạn thảo chưa bao giờ tính đến khả năng này bởi cơ chế “đánh giá – công nhận” sẽ thực sự là gánh nặng cho cả doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý. Vì vậy, khi thông tư này chính thức ban hành, việc thực hiện dựa trên sự tự giác của doanh nghiệp. Nhà nước chỉ can thiệp để phân xử khi phát sinh tình huống cần thiết.

Xem thêm:

Bình Dương và câu chuyện nguồn nhân lực

Bình Dương hiện nay đang là tỉnh thành đứng thứ ba cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (sau Hà Nội và TP.HCM) với 3.644 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 32,93 tỷ đô la Mỹ.

Trước những sức hút về kinh tế và hạ tầng, bất động sản Bình Dương nói chung và bất động sản công nghiệp Bình Dương nói riêng đang đạt được mức sôi động đáng ghi nhận. Một phần lớn sự sôi động này nhờ vào lượng người lao động về đây sinh sống, làm việc khiến nhu cầu nhà ở lên cao. Tuy nhiên, xét về mặt bằng chung, dù tăng qua các năm nhưng thực tế, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn phải đối mặt với khó khăn thiếu hụt nhân lực.

Trong các buổi tiếp xúc giữa UBND tỉnh Bình Dương với các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Bình Dương, đại diện đến từ các doanh nghiệp đã chia sẻ thẳng thắn những vướng mắc trong quá trình đầu tư, đồng thời cũng đề ra một số kiến nghị tháo gỡ. Những bất cập này nếu không giải quyết kịp thời có thể cũng sẽ trở thành nỗi lo của nhiều doanh nghiệp nước ngoài khác.

Theo chia sẻ, các doanh nghiệp phần đa đều gặp khó khăn về hệ thống đường giao thông, điện, vấn đề đầu tư tại các khu công nghiệp, các thủ tục liên quan đến đất đai, vấn đề y tế cho người nước ngoài và đặc biệt là nguồn nhân lực. Trong đó, nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng ngoại ngữ (tiếng Hàn) đang thiếu hụt số lượng lớn.

Bình Dương khát nhân lực

Ông Kim Won Sik (Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Bình Dương) cho rằng muốn doanh nghiệp phát triển bền vững thì trước hết phải có được cho mình một đội ngũ nhân sự có chất lượng, đó chính là vấn đề cốt lõi. Tuy nhiên, trên thực tế, để tìm được những nhận viên đạt yêu cầu như vậy là điều không hề dễ dàng. “Chúng tôi biết vấn đề này là các doanh nghiệp phải chủ động nhưng việc phát triển của các doanh nghiệp có tốt thì nền kinh tế của tỉnh Bình Dương mới phát triển mạnh. Chính vì thế, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cũng nên có kế hoạch và giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp để chúng tôi và doanh nghiệp nước ngoài nói chung được yên tâm đầu tư lâu dài tại tỉnh Bình Dương”, ông Kim Won Sik nói.

Cũng tại buổi gặp gỡ, ông Trần Văn Nam – Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đã gửi lời cảm ơn đến các doanh nghiệp vì những ý kiến đóng góp và thay mặt các ban ngành chức năng, ông ghi nhận những thiếu sót trong thời gian vừa rồi. Ông Nam cho rằng các vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải có thể giải quyết được ngay khi vấn đề phát sinh, tuy nhiên trong quá trình xử lý còn thiếu sự phối hợp nên chưa đạt được kết quả tốt nhất. Đồng thời ông khẳng định trong thời gian tới, các vấn đề này sẽ được khắc phục, đảm bảo cho việc phát triển của các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế tỉnh nhà.
Bàn về sự thiếu hụt nhân lực, ông Nam nhấn mạnh: “Nguồn nhân lực mà đặc biệt là nhân lực chất lượng cao là bài toán tổng hợp đặt ra cho lãnh đạo tỉnh Bình Dương nhiều việc phải làm. Tỉnh coi đây là trách nhiệm và nghĩa vụ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp.”

Trong thời gian tới, nếu nhanh chóng giải quyết câu chuyện về nguồn nhân lực, Bình Dương sẽ ngày càng có cơ sở để duy trì nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững. Điều này tạo động lực không nhỏ để tăng cường sức hút với nhà đầu tư cũng như tạo bước tiến vượt trội hơn cho thị trường bất động sản.

Xem thêm:

Bộ công thương dự thảo Thông tư quy định hàng Made in Việt Nam (2019)

Trong bối cảnh tồn tại các ý kiến không đồng nhất về việc xác định xuất xứ hàng hóa, Bộ Công Thương dựa trên các bộ quy tắc xuất xứ hiện đang áp dụng cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam để xây dựng Thông tư Quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam.

Cơ quan soạn thảo cho biết, đối với hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu, Việt Nam đã có ban hành văn bản hướng dẫn đề cập đến cách hiểu như thế nào thì một sản phẩm được xem là có xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên, với hàng hóa sản xuất, gồm cả đầu vào nhập khẩu sau lưu thông trong nước thì chưa có quy định rõ ràng.

Theo dự thảo lần này, tùy thuộc vào quá trình sản xuất, gia công, chế biến, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn và chỉ sử dụng một trong các cụm từ sau đây để thể hiện hàng hóa là hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa và/hoặc trên tài liệu, vật phẩm chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa đó:

  • Sản phẩm của Việt Nam hoặc sản phẩm Việt Nam,
  • Hàng hóa của Việt Nam hoặc hàng hóa Việt Nam hoặc hàng Việt Nam,
  • Sản xuất tại Việt Nam hoặc Việt Nam sản xuất,
  • Chế tạo tại Việt Nam hoặc Việt Nam chế tạo, Chế tác tại Việt Nam hoặc Việt Nam chế tác.

Theo đó, hàng hóa được coi là hàng hóa của Việt Nam sẽ rơi vào các trường hợp sau:

  • Hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam;
  • Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa.

Đồng thời, Thông tư cũng quy định trường hợp Hàng hóa không được xem là có xuất xứ Việt Nam, nếu chỉ trải qua một hoặc kết hợp nhiều công đoạn sau:

  • Các công việc bảo quản hàng hoá trong quá trình vận chuyển và lưu kho (thông gió, trải ra, sấy khô, làm lạnh, ngâm trong muối, xông lưu huỳnh hoặc thêm các phụ gia khác, loại bỏ các bộ phận bị hư hỏng và các công việc tương tự);
  • Các công việc như lau bụi, sàng lọc, chọn lựa, phân loại (bao gồm cả việc xếp thành bộ) lau chùi, sơn, chia cắt ra từng phần; thay đổi bao bì đóng gói và tháo dỡ hay lắp ghép các lô hàng; đóng chai, lọ, đóng gói, bao, hộp và các công việc đóng gói bao bì đơn giản khác; dán lên sản phẩm hoặc bao gói của sản phẩm các nhãn hiệu, nhãn, mác hay các dấu hiệu phân biệt tương tự; trộn đơn giản các sản phẩm, dù cùng loại hay khác loại; lắp ráp đơn giản các bộ phận của sản phẩm để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh; giết, mổ động vật.

Ngoài ra, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam và hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam, nếu không đáp ứng điều kiện nêu trên, không được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa và/hoặc trên bất kỳ tài liệu, vật phẩm nào chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa đó.

Hiện vẫn đang có những bàn luận xoay quanh các quy định “Made in Vietnam” trong dự thảo Thông tư lần này. Cục Xuất nhập khẩu khẳng định, về nguyên tắc, Thông tư sẽ không làm phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp bởi ghi nhãn hàng hóa và công bố nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa đã từ lâu là yêu cầu bắt buộc theo quy định của Nghị định 43. Thông tư chỉ giúp các tổ chức, cá nhân có căn cứ để thực hiện đúng yêu cầu của Nghị định 43, giúp loại bỏ các trường hợp vô tình hay cố tình vi phạm thông tin về nước xuất xứ.

Xem thêm: