Công Phượng “lập công” với CLB Bỉ

Chỉ mới đặt chân đến CLB Sint-Truidense V.V (STVV) chưa lâu nhưng Công Phượng đã giúp đội bóng mới đạt được chỉ số thống kê ấn tượng trên mạng xã hội Facebook của Bỉ.

Dù những tin tức gần đây đánh giá Công Phượng đang gặp khó khăn tại Bỉ, sợ rằng lịch sử như hai lần qua Hàn và Nhật sẽ lặp lại, tuy nhiên phía cầu thủ này chia sẻ mình đang rất thoải mái với cuộc sống ở đây.

Theo báo chí Bỉ, fanpage STVV là 1 trong 4 tài khoản có số lượng người theo dõi tăng mạnh nhất trên Facebook Bỉ vào tháng 7/2019. Số lượng người theo dõi fanpage STVV tăng từ khoảng 30.000 lên gần 80.000 chỉ sau 1 tháng. Tờ Het Belang van Limburg nhận định: “Chỉ có một người chịu trách nhiệm cho sự tăng trưởng này, đó là CP15, người được biết nhiều hơn với cái tên Công Phượng, người Việt Nam mới gia nhập CLB, người chưa thể đảm bảo một vị trí trong đội hình chính thức của HLV Marc Brys”.

Công Phượng có cuộc sống thoải mái tại Bỉ

Thông tin Công Phượng gia nhập STVV cách đây 1 tháng đã gián tiếp đưa trang này thành địa chỉ được người hâm mộ Việt Nam chú ý nhiều hơn khi một cầu thủ ra nước ngoài thi đấu, rất hiếm để có thể cập nhật thông tin của họ thường xuyên. Câu chuyện này cũng đã từng xảy ra với Yokohama FC (Nhật Bản) hay Incheon United (Hàn Quốc).

Điểm đặc biệt trong cách khai thác thông tin của fanpage STVV và báo chí Bỉ nằm ở việc họ không khai thác liên tục với Công Phượng, thậm chí là rất ít mà tỏ ra cân bằng giữa các cầu thủ, kể cả họ là siêu sao, đội trưởng hay người gắn bó lâu năm với CLB.

Ngoài STVV, top 4 gồm toàn những cái tên đình đám như tiền vệ Eden Hazard, cầu thủ chuyển từ CLB Chelsea (Anh) đến Real Madrid (Tây Ban Nha) với giá 90 triệu bảng (khoảng 2500 tỷ đồng), “đại tiệc âm nhạc” Tomorrowland và DJ Charlotte De Witte.

Xem thêm:

Kinh tế Việt Nam chững lại vì Mỹ – Trung

Trái ngược với những dự đoán “hưởng lợi”, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với không ít “vạ lây” từ mối căng thẳng thương mại Mỹ – Trung.

Ông Vũ Tiến Lộc – chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN cho biết, trong 6 tháng đầu năm có đến 70% nền kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng từ cuộc thương chiến, trong đó, Việt Nam cũng đã ghi nhận tình trạng vốn FDI chững lại và sự giảm tốc về xuất khẩu.

Theo ông Lộc, trong nửa đầu năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 122,72 tỉ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018. Như vậy, tốc độ tăng chỉ còn bằng chưa đầy một nửa so với 6 tháng đầu năm 2018. Về đầu tư FDI, tính đến 20-6-2019, vốn đầu tư tăng thêm và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 18,47 tỉ USD, giảm 9,2% so với cùng kỳ 2018.

Việt Nam "vạ lây" từ thương chiến Mỹ - Trung

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu số 1 của Việt Nam khiến cho tình trạng cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt khi lượng lớn hàng Trung Quốc giá rẻ ồ ạt tiến vào. Nhiều hàng hóa Trung Quốc giả mạo xuất xứ để “thâm nhập” cũng như hưởng lợi về thuế khi xuất khẩu. Điều này gây ra diễn biến không mấy thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam. Ngược lại, cánh cửa hàng hóa của Việt Nam vào Trung Quốc cũng thu hẹp khi quốc gia này đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nội địa. Trong 6 tháng qua, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường đều giảm, chỉ tăng ở thị trường Mỹ.

Thực tế đã chỉ ra những dự đoán ban đầu đã hoàn toàn đi ngược lại, Việt Nam hầu như không hưởng lợi gì cuộc thương chiến. “Các tác động tiêu cực rõ nhất của thương chiến đến nền kinh tế Việt Nam là sự giảm tốc của GDP, kết quả thu hút FDI chững lại và xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng qua giảm” – ông Lộc nói.

Trước diễn biến này, ông Lộc cảnh báo các doanh nghiệp khi sản xuất, kinh doanh cần phải tính đến sự bất lợi, tiêu cực của cuộc thương chiến, không nên chủ quan cho rằng chúng ta được hưởng lợi từ cuộc thương chiến này.

Xem thêm:

Hàng Trung Quốc giả mạo xuất xứ tràn vào Việt Nam

Trước những biến căng thẳng của cuộc chiến Thương mại Mỹ – Trung, Đồng nhân dân tệ đang có dấu hiệu giảm giá, tăng nguy cơ hàng hóa Trung Quốc giả mạo xuất xứ tràn vào Việt Nam.

Nguyên nhân trực tiếp khiến Đồng NDT liên tiếp giảm giá là do Mỹ tố cáo Trung Quốc chủ động thao túng tiền tệ, tức là làm mất giá NDT tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu. Nhưng thực tế cho thấy, đồng NDT cũng mất giá thực sự chứ không chỉ do họ chủ động.Với tình trạng này, Trung Quốc chiếm ưu thế cạnh tranh khi xuất khẩu hàng ra nhiều nước nhưng cũng là nguy cơ rút lui của làn sóng FDI tại quốc gia này.

Hiện tại, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba và là thị trường nhập khẩu số 1 của Việt Nam. Do đó, Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ nhập siêu và sự cạnh tranh khốc liệt khi hàng Trung Quốc giá rẻ liên tiếp tràn vào thị trường. Đáng lo lắng hơn là hiện tượng hàng Trung Quốc giả mạo hàng hóa có xuất xứ “Made in Vietnam” để hưởng ưu đãi thuế khi xuất ra nước ngoài.

hàng Trung Quốc gian lận xuất xứ

Thậm chí hàng nhập về đã kèm cả phiếu bảo hành bằng tiếng Việt với đủ thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ doanh nghiệp, trung tâm bảo hành tại Việt Nam… để tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu. Ngoài ra, cũng có trường hợp doanh nghiệp nhập hàng từ nước ngoài, dán nhãn hàng hóa hoặc ghi xuất xứ hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài… nhưng sau đó thay nhãn mác mới ghi “made in Vietnam” hoặc “sản xuất tại Việt Nam” khi bán tại thị trường nội địa.

Vì vậy, trước thực trạng này, các doanh nghiệp phải tự mình nâng cao chất lượng, uy tín thương hiệu của hàng hóa Việt Nam để cạnh tranh một cách lành mạnh với các sản phẩm đến từ Trung Quốc. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng sẽ phải tăng cường hơn nữa các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là gian lận xuất xứ hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam để tránh những tổn thất đến người tiêu dùng.

Xem thêm:

Bàn về các quy định “Made in Vietnam”

Theo Dự thảo Thông tư của Bộ Công Thương về hàng hóa “Made in Vietnam”, nhiều quan điểm cho rằng con số 30% VAC có quá thấp để công nhận sản phẩm có xuất xứ Việt Nam.

Như thông tin đã đưa, vào chiều 14/8 vừa qua, Bộ Công Thương đã có buổi trao đổi với báo chí về dự thảo Thông tư quy định hàng “Made in Vietnam”, cụ thể là các quy định xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam.

Trả lời về thời gian đưa ra dự thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương – ông Trần Quốc Khánh cho biết, trong việc quy định thế nào là hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam, Bộ trước đó đã đưa ra nhiều văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, các văn bản này chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu để hưởng ưu đãi thuế. Với hàng hóa sản xuất và sau đó lưu thông trong nước, việc ghi nước xuất xứ được thực hiện theo Nghị định số 43/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa, là lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ, không phải của Bộ Công Thương. Trên thực tế, việc thực hiện nguyên tắc tự xác định và chịu trách nhiệm về nước xuất xứ hàng hóa phát sinh khá nhiều bất cập, do đó, Bộ Công Thương đã chủ động đề xuất nghiên cứu, dự thảo Thông tư lần này.

hàng hóa có xuất xứ Việt Nam

Về quy định chỉ cần hàm lượng 30% đã được coi là hàng hóa Việt Nam, Thứ trưởng cho biết dự thảo Thông tư này được xây dựng chủ yếu dựa trên các bộ quy tắc xuất xứ hiện đang áp dụng cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam, trong đó có Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ. Nhiều sản phẩm xuất khẩu của ta chỉ cần đáp ứng VAC 30% là được các nước bạn hàng công nhận là xuất xứ Việt Nam. Đặt ra mức cao hơn không phải điều khó khăn, muốn cao hơn vẫn có thể điều chỉnh được. Tuy nhiên, nếu quy định ở mức cao hơn, sẽ xuất hiện tình huống cả thế giới công nhận nhưng riêng Việt Nam lại không công nhận một sản phẩm nào đó là sản phẩm của mình.

Thực tế cả Mỹ lẫn Thụy Sĩ, trong đàm phán với Việt Nam, đều tha thiết đề nghị ta áp dụng quy tắc VAC 30% hay chuyển đổi mã số hàng hóa cho tuyệt đại đa số sản phẩm công nghiệp của họ, không ai đề nghị 50% hay 60% cả, trừ đối với một vài mặt hàng cực kỳ nhạy cảm như may mặc, ô tô.

Về ý kiến lo ngại, việc tự xác định và ghi nhãn “Sản xuất tại Việt Nam” không biết có đảm bảo chính xác không và khả năng Nhà nước có cơ quan đứng ra đánh giá và cấp giấy công nhận, Thứ trưởng Khánh cho biết, ban soạn thảo chưa bao giờ tính đến khả năng này bởi cơ chế “đánh giá – công nhận” sẽ thực sự là gánh nặng cho cả doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý. Vì vậy, khi thông tư này chính thức ban hành, việc thực hiện dựa trên sự tự giác của doanh nghiệp. Nhà nước chỉ can thiệp để phân xử khi phát sinh tình huống cần thiết.

Xem thêm: